Công nghệ xử lý nước

Công nghệ xử lý nước

  1. Công trình truyền tải nước thô

Nước thô được bơm theo Hợp đồng bán buôn sỉ nước thô giữa Công ty Cổ phần Đầu tư Nước Tân Hiệp (THW) và Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (SAWACO) từ nguồn nước  từ sông Sài Gòn qua song chắn rác vào công trình thu và được bơm dẫn về nhà máy xử lý theo tuyến ống nước thô DN1500 (do Công ty CPĐT Nước Tân Hiệp đầu tư lắp đặt). Tại trạm bơm Hòa Phú nước thô được vôi và Clo hóa sơ bộ để diệt rong rêu tảo trên đường ống và châm vôi để nâng pH.

  1. Hầm phân chia lưu lượng

Là nơi tiếp nhận nước thô từ trạm bơm Hòa Phú. Tại đây nước thô sẽ tự chảy về khu xử lý của Nhà máy Tân Hiệp 2.

  1. Bể tiếp nhận

Là nơi tiếp nhận nước thô từ hầm giao liên đồng thời có nhiệm vụ tiêu năng do chênh lệch chiều cao giữa hầm giao liên và bể tiếp nhận.  PAC, Clo, Ozone sẽ được châm vào tại ngăn tiếp nhận giúp xử lý nước. Ngoài ra, nếu nguồn nước thô về Nhà máy có pH thấp sẽ được châm thêm Vôi để nâng pH tăng hiệu quả xử lý.

  1. Thiết bị trộn nhanh

Giúp trộn nhanh các hóa chất xử lý đều vào trong nước thô.

  1. Bể tạo bông

Nước thô sau khi qua thiết bị trộn nhanh sẽ về mương phân phối chung và phân phối vào các bể keo tụ - tạo bông. Bể keo tụ (4 bể) - tạo bông ( 4 bể) được thiết kế hợp khối với bể lắng. Bể keo tụ - tạo bông vận hành với tốc độ khuấy giảm dần tạo điều kiện dính kết các chất bẩn có trong nước ở dạng lơ lửng thành các bông cặn với kích thước lớn có khả năng lắng trong các bể lắng.

  1. Bể lắng tải trọng cao với hệ thống hút bùn tự động

Nước từ bể tạo bông sẽ đi vào bể lắng thông qua tường đục lỗ. Bể lắng được bố trí các tấm lắng Lamella với góc nghiêng 60o. Dòng nước đi vào vùng lắng sẽ đi lên theo phương nghiêng. Các bông cặn lớn sẽ lắng xuống dưới, các bông cặn nhỏ hơn lơ lửng không có khả năng lắng sẽ đập vào các vách nghiêng tạo thành các bông cặn lớn hơn trượt xuống dưới đáy bể và được giàn hút bùn tự động dạng siphon hút ra mương chung và dẫn về bể nén bùn. Phần nước sẽ được thu bề mặt chảy vô máng dẫn vào mương phân phối nước vào các bể lọc. Nước sau lắng có độ đục < 5NTU.

  1. Bể lọc: lọc nhanh trọng lực với quy trình rửa ngược kết hợp gió và nước:

Nước ra khỏi bể lắng được dẫn vào 10 ngăn lọc bằng hệ thống vách tràn thủy lực qua cửa phai. Vật liệu lọc là cát thạch anh với chiều cao là 1.30m và lớp vật liệu đệm bằng Đan lọc. Với lớp vật liệu này, các hạt cặn nhỏ không thể lắng tại bể lắng sẽ được giữ lại và loại bỏ trong quá trình rửa lọc, Đan lọc giúp quá trình thu nước và rửa ngược trải đều trên bề mặt lọc (quy trình rửa lọc là quá trình rửa ngược kết hợp gió và nước). Nước sau lọc có độ đục < 0.5NTU.

  1. Bể tiếp xúc, bể chứa

Nước sau lọc sẽ được dẫn về ngăn tiếp xúc của bể chứa. Tại đây, nước sau lọc được châm Clo để khử trùng, châm Flo để tăng khả năng bảo vệ răng, châm vôi để nâng pH ổn định nước. Tổng dung tích chứa hữu dụng của bể là 35,000m3.

  1. Trạm bơm nước sạch

Có nhiệm vụ vận chuyển nước sạch sau xử lý ra tuyến ống truyền tải. Trạm bơm gồm 4 máy bơm (02 bơm chạy và 02 bơm dự phòng, 02 bơm dùng khởi động mềm và 02 bơm dùng biến tần), mỗi bơm có công suất 6.250m3/h có tổng công suất 420.000 m3/ngày (hệ số điều hòa 1,4 tức tại giờ cao điểm trạm bơm có thể vận hành gấp 1,4 lần công suất thiết kế của nhà máy xử lý nước).

Chia sẻ: