Cấp nước và bài toán bảo vệ nguồn nước

Cấp nước và bài toán bảo vệ nguồn nước

TTO - Nguồn nước sạch tại TP.HCM hiện nay có đến 95% lấy từ hệ thống sông, 5% còn lại từ hệ thống nước ngầm. Để nguồn nước đến người dân an toàn, bền vững, ngành cấp nước phải cân đối bài toán bảo vệ nguồn nước.

Kiểm tra chất lượng nước đầu vào tại Nhà máy nước Thủ Đức - Ảnh: LÊ PHAN

Nằm ở hạ nguồn của hệ thống sông Đồng Nai, TP.HCM có những khó khăn trong việc bảo vệ nguồn nước mặt trước tác động của môi trường, biến đổi khí hậu. Vì vậy, ngành cấp nước TP tính toán chuyển từ thế bị động sang chủ động bằng các phương án trữ nước, dời điểm lấy nước để có được nguồn nước sạch cho người dân.

Căng mình theo dõi nguồn nước

Ông Trần Kim Thạch, trưởng phòng chất lượng nước Tổng công ty cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco), chia sẻ: "Nguồn cấp nước mặt TP.HCM đang đối mặt với nghịch lý cứ vào mùa mưa thì nguy cơ ô nhiễm hệ thống nước sông lại tăng cao, anh em các nhà máy nước phải căng mình theo dõi chất lượng nước từng phút để có phương án ứng phó hợp lý nhất".

Theo ông Thạch, hiện tại nguồn nước cung cấp cho người dân gần 95% lấy từ nước sông Sài Gòn và Đồng Nai. Chất lượng nước từ hai hệ thống sông này tương đối ổn định. Tuy nhiên, gần đây nước lấy từ sông Sài Gòn có các chất ô nhiễm ở mức cao, các quy chuẩn đều vượt mức cho phép.

"Chúng tôi nhận định trong tương lai mức độ ô nhiễm sẽ xảy ra mạnh hơn do việc phát triển kinh tế dọc khu vực các con sông, cộng với tác động biến đổi khí hậu. Mức độ ô nhiễm về hợp chất hữu cơ, xâm nhập mặn ngày càng tăng, nhất là đối với Sài Gòn", ông Thạch đánh giá.

Với đặc thù nằm ở vùng hạ lưu các hệ thống sông, ngành cấp nước TP phải chuyển từ thế bị động trong việc nhận nguồn nước qua chủ động bằng các giải pháp trữ nguồn nước sạch cho người dân.

Một trong những hành động "táo bạo" mà Sawaco tính tới là đề xuất dời điểm lấy nước thô trên sông Sài Gòn về thượng nguồn nhằm đảm bảo sử dụng được nguồn nước sạch hơn.

Sawaco đề xuất di dời điểm lấy nước thô về phía thượng nguồn so với điểm hiện tại ở Hòa Phú (Củ Chi). Vị trí mới cách trạm bơm Hòa Phú khoảng 15-20km và cách ngã ba sông Thị Tính - Sài Gòn 10-15km. 

Điều này giúp hạn chế tối đa các ảnh hưởng từ nước thải sinh hoạt, sản xuất, nông nghiệp từ phía Bình Dương đổ ra sông Thị Tính rồi chảy vào sông Sài Gòn. Ngoài ra dự án này còn có hạng mục xây dựng cụm hồ chứa nước thô để giữ nguồn nước lại.

Song song với xúc tiến dời trạm bơm, xây hồ trữ nước, Sawaco cho biết đã lắp đặt hệ thống cảnh báo ô nhiễm, phối hợp hồ Dầu Tiếng, Trị An xả nước đẩy mặn, làm giảm ô nhiễm...

"Chúng tôi đã trang bị hệ thống phát hiện dầu tràn và chuẩn bị đưa vào lắp đặt hệ thống phát hiện độc chất, chỉ cần có độc tố trong nước, hệ thống sẽ cảnh báo ngay", ông Thạch chia sẻ.

Nước ngầm đã dần phục hồi

Bên cạnh phát triển mạng lưới cấp nước, công nghệ xử lý nước, Sawaco còn chú trọng bảo vệ nguồn nước ngầm. Bằng các nỗ lực của nhiều sở ngành, một dấu hiệu đáng mừng là số liệu quan trắc từ 2015 đến nay, mực nước ngầm tại khu vực TP.HCM đã tăng trở lại.

Là đơn vị phụ trách cấp nước một địa bàn rất lớn bao gồm quận Gò Vấp (trừ phường 1), quận 12 và huyện Hóc Môn, nơi còn nhiều hộ dân sử dụng nước ngầm, Công ty cổ phần cấp nước Trung An cho biết đang nỗ lực để người dân chuyển sang sử dụng nguồn nước sạch. Đại diện đơn vị này đánh giá việc nước thải từ các nhà máy, nước thải sinh hoạt được xả thẳng vào nguồn nước đã làm nước ngầm bị ô nhiễm.

Khi sử dụng nước ngầm bị ô nhiễm có thể dẫn đến bị các bệnh ngoài da, bệnh răng miệng, bệnh tiêu hóa, bệnh ung thư, ngộ độc do nước bị nhiễm khuẩn gây bệnh đường ruột (Ecoli) hay nước có độ pH không ổn định, nhiễm kim loại nặng (thủy ngân, thạch tín, chì...), bệnh thiếu máu do trong nước có chứa hàm lượng amoni cao gây nhức đầu, mệt mỏi, giảm trí nhớ.

Do đó, Công ty cổ phần cấp nước Trung An đã phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền đến từng khu phố, từng nhà dân và các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn công ty quản lý vận động khách hàng sử dụng nước và trám lấp giếng khoan tại những địa bàn đã có áp lực và chất lượng nước máy đáp ứng theo quy định.

Còn phía Sawaco cho biết hằng ngày nguồn nước cung cấp cho người dân từ nước ngầm chiếm 3%. Từ năm 2017, Sawaco đã hoàn thành cấp nước sạch cho 100% hộ dân. Tuy nhiên hiện tại người dân vẫn sử dụng nước ngầm rất nhiều (chiếm gần 8% tổng số khách hàng) dù được cấp nước sạch.

Hiện Sawaco còn vận hành 22 công trình khai thác nước dưới đất gồm 21 trạm cấp nước trên địa bàn huyện Bình Chánh và Nhà máy nước ngầm Tân Phú. Hầu hết các trạm cấp nước duy trì khai thác đều thuộc địa bàn huyện Bình Chánh. 

"Nhu cầu sử dụng nước khu vực này dự báo tiếp tục gia tăng do tốc độ đô thị hóa cao. Trong khi đó, mạng lưới cấp nước chưa được hoàn thiện do khó khăn trong thực hiện các dự án phát triển mạng lưới, tiêu biểu như tuyến ống cấp 1 đường Nguyễn Cửu Phú đến cuối năm 2023 mới hoàn thành", vị đại diện Sawaco cho biết.

TP.HCM: nhiều giếng, bồn chứa bị ô nhiễm

Theo kết quả giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC), chất lượng nhiều mẫu nước giếng, bồn chứa tại các phường, xã ở TP.HCM không đạt chuẩn các chỉ tiêu về độ pH, clo dư, vi khuẩn E.Coli...

Nhân viên kỹ thuật Công ty cổ phần cấp nước Trung An kiểm tra đồng hồ nước tại nhà dân ở quận 12 - Ảnh: CHÂU TUẤN

Tổng số mẫu được giám sát trong tháng 3-2022 gồm có 104 mẫu hóa lý và 104 mẫu vi sinh, trong đó có 25% mẫu không đạt tiêu chuẩn hóa lý, 8% mẫu không đạt tiêu chí vi sinh, gần 27% mẫu không đạt cả 2 tiêu chí hóa lý và vi sinh.

Do đó, HCDC khuyến cáo người dân ưu tiên dùng nguồn nước sạch để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và gia đình. Đồng thời, đề nghị chính quyền địa phương vận động người dân khu vực không khai thác nước ngầm, trám lấp các giếng khoan tại hộ gia đình.

Nguồn: Báo tuổi trẻ

Chia sẻ: